Bạch hoa xà thiệt thảo giải độc, tiêu viêm
Cập nhật lúc: 09:42 29/09/2020
Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, không độc, đi vào 3 kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc. Dùng để trị chứng ho do phế nhiệt, viêm họng, viêm ruột thừa, kiết lỵ, sốt cao, hoàng đản, viêm khoang bụng, các chứng ung nhọt, rắn cắn...
Bạch hoa xà thiệt thảo.
Các nghiên cứu dược lý và lâm sàng hiện đại cho thấy. Nước sắc đặc của bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng ức chế sự phát triển trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn thương hàn và một số loại vi khuẩn khác, ngoài ra còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và chức năng của vỏ tuyến thượng thận.
Theo kinh nghiệm dân gian, bạch hoa xà thiệt thảo được dùng trong những trường hợp sau:
Trị viêm gan, vàng da: bạch hoa xà thiệt thảo 40g, hạ khô thảo 40g, cam thảo 16g. Ba thứ rửa sạch, sắc lấy nước đặc, uống trong ngày.
Trị ung nhọt: bạch hoa xà thiệt thảo 120g, bán chi liên (tươi) 60g, sắc uống. Dùng ngoài, giã nát đắp lên chỗ đau.
Trị viêm amidan cấp: bạch hoa xà thiệt thảo 12g, xa tiền thảo 12g. Hai thứ rửa sạch, sắc uống.
Trị viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu gắt: bạch hoa xà thiệt thảo, dã cúc hoa, kim ngân hoa, mỗi thứ 40g, thạch vi 20g. Tất cả rửa sạch, sắc uống thay nước trà.
Trị ho do viêm phổi: bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 40g, trần bì 8g. Hai thứ rửa sạch, sắc uống trong ngày.
Trị viêm loét cổ tử cung: bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 30g, bạch anh 30g, nhất chi hoàng hoa 30g, quán chúng 15g, sắc uống.
Trị rắn cắn: bạch hoa xà thiệt thảo (tươi) 60g sắc với 200ml rượu. Gạn nước chia uống 3 lần. Bã đắp vào vết rắn cắn.
Kiêng kỵ: Phụ nữ mang thai phải cẩn thận khi sử dụng. Ngoài ra, bạch hoa xà thiệt thảo ức chế quá trình sinh tinh trùng (thí nghiệm ở chuột), vì vậy, đàn ông yếu sinh lý cũng nên lưu ý.
DS. Mai Thủy