Tìm hiểu về dược liệu đinh lăng
Cập nhật lúc: 10:06 05/07/2021
Cây đinh lăng là loài cây gần gũi với người dân Việt Nam. Chúng được dùng làm rau sống trong những bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, đây còn là loại dược liệu được dân gian truyền tai nhau giúp điều trị các bệnh về đường tiểu, tiêu hóa, xương khớp,...
Tìm hiểu chung
Cây đinh lăng còn có tên gọi khác là cây gỏi cá hay nam dương sâm. Đây được mệnh danh là “nhân sâm cho người nghèo” nhờ công dụng chữa nhiều bệnh, giá thành lại thấp. Cây thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae.
Mô tả cây
Cây đinh lăng là loài cây có thân nhẵn, nhỏ, ở Việt Nam cây chỉ cao từ 0,8 - 1,5m, tùy vào tính chất vùng miền cây có thể cao hơn. Thân cây không có gai, lá kép có hình dạng như lông chim dài từ 20 - 40cm. Cuốn là gầy dài 3-10mm có hình ống nhỏ, phiến lá có răng cưa không đều, lá có mùi thơm đặc trưng. Hoa của cây nở thành cụm có hình chùy ngắn mang nhiều hoa nhỏ. Quả của cây có hình dẹt dài 3 - 4mm, dày 1mm.
Lá cây định lăng có hình dáng như lông chim rất độc đáo
Phân bố, sinh thái
Cây đinh lăng bắt nguồn ở Polynesia (là một tiểu vùng của Châu Đại Dương). Sau đó, được trồng rộng rãi ở một số nước Đông Nam Á và các đảo nhiệt đới của khu vực Thái Bình Dương.
Cây phát triển mạnh trong môi trường nhiệt đới có độ ẩm trung bình, với nhiệt độ thay đổi từ 16–29 ° C (60–85 ° F). Loại đất thích hợp để trồng cây là đất cát hoặc nhiều mùn và thoát nước tốt.
Bộ phận được sử dụng
Lá, chồi non,thân và rễ cây đinh lăng thường được dùng để ăn sống hoặc sử dụng như dược liệu chữa bệnh trong y học.
Thành phần hóa học
Nhiều nghiên cứu về thảo dược cho thấy, trong cây đinh lăng có nhiều vitamin và các axit amin có lợi cho sức khỏe gồm:
Các vitamin nhóm B (B1, B2, B6)
Trong rễ cây chứa nhiều glucosid, alcaloid, saponin, triterpen, tanin
Trong lá có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic.
13 loại axit amin (trong đó có lyzin, xystei, và methionin là những axít amin không thể thay thế được)
Các nguyên tố vi lượng khác.
Công dụng
Công dụng trong đời sống hằng ngày
Cây đinh lăng được nhiều gia đình trồng như loại cây cảnh vì sự độc đáo của thân cây và lá cây. Trong ẩm thực, đinh lăng thường được dùng để kết hợp với các loại rau sống trong các bữa ăn của người Việt. Ngoài ra, lá và chồi non của cây còn được dùng như gia vị để tạo mùi thơm đặc trưng trong các món ăn.
Dược liệu trong y học
Theo y học cổ truyền, rễ cây đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ.
Ngày nay, qua nhiều người cứu các bác sĩ phát hiện ra rằng cây đinh lăng có rất nhiều công dụng tuyệt vời tương tự như nhân sâm nhưng giá thành lại rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể cây có tác dụng tăng thể lực, chống stress, hỗ trợ kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.
Lá cây đinh lăng thường được nghiền nhỏ dùng để đắp vết thương có tác dụng hỗ trợ chống sưng, viêm, kháng khuẩn. Lá ăn sống có tác dụng tốt với hệ tiêu hóa.
Rễ có thể được đun sôi và uống để lợi tiểu, làm dịu thần kinh, giảm đau khớp và xông trực tiếp để kích thích đổ mồ hôi. Ngoài ra rể cây đinh lăng có tác dụng nâng cao sức đề kháng rất tốt tương tự như cây tam thất.
Thân và cành thường được dùng để giúp giảm thấp khớp, đau lưng.
PV
Bài viết gốc: https://suckhoedoisong.vn/tim-hieu-ve-duoc-lieu-dinh-lang-n196206.html