Lá và ngó sen trị nhiều bệnh

Cập nhật lúc: 15:55 24/12/2019

 Ở các nước Đông Nam Á, cây sen rất quen thuộc, không chỉ mang lại vẻ đẹp thuần khiết cho quang cảnh mà còn được biết đến như một loại dược liệu y học cổ truyền có giá trị cũng như một nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực.

Nhiều bộ phận của cây sen đều được dùng chế biến món ăn và làm thuốc trong y học cổ truyền như hạt sen (liên nhục) để nấu chè, tâm sen (liên tâm) làm thuốc an thần, tua nhị sen (liên tu) để ướp trà. Tuy nhiên, công dụng phòng trị bệnh của lá sen và ngó sen như thế nào thì còn ít người biết.

Lá sen (hà diệp): có nhiều alkaloid; ngoài ra còn có acid hữu cơ, tanin, vitamin C. Theo Đông y, lá sen vị đắng, tính bình, vào can tỳ vị; tác dụng hạ huyết áp, an thần, thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết.

Mầm ngó sen (ngẫu tiết): chứa tinh bột, asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose; các vitamin: C, A, B, PP và ít tanin. Theo Đông y, ngó sen vị ngọt chát, tính bình, vào kinh can tâm vị. Tác dụng thu liễm cầm máu, tráng dương, an thần.

Trà lá sen là phương thuốc dân gian giảm mỡ máu, béo phì rất hiệu quả.

8 bài thuốc có lá sen

1. Chữa say nắng kèm theo bụng phiền, miệng khát, họng khô, tiểu ít mà đỏ: lá sen tươi 40g, rễ sậy tươi 40g, hoa bạch biển đậu 10g. Sắc nước uống.

2. Trị thổ tả do trúng thử: lá sen tươi 20g giã nhỏ, thêm 1 chén nước nguội ép lấy nước, uống.

3. Trị thổ huyết do táo nhiệt: lá sen tươi 80g, trắc bách diệp tươi 20g, lá ngải tươi 24g, sinh địa 40g. Hãm hoặc sắc nước uống.

4. Chữa viêm ruột, chảy máu dạ dày và các chứng chảy máu khác: ngày dùng 5 - 12g.

 

5. Chữa bệnh béo phì (kinh nghiệm dân gian): lá sen tươi hoặc khô 1 lá, thái ngắn, hãm hoặc đun với 400 - 500ml nước trong 10 - 20 phút; mỗi sáng uống 1 ấm.

6. Trị nôn ra máu: ngó sen  20g, cuống sen 12g; sắc nước uống.

7. Trị tiểu dắt, ra máu: ngó sen tươi 40g, huyết dư thán 10g; sắc uống.

8. Trị lao phổi ho ra máu hoặc nôn ra máu: ngó sen 20g, cỏ nhọ nồi 20g, bạch cập 16g, trắc bách diệp tươi 16g; phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, nghiền bột mịn, thêm nước làm hoàn, mỗi hoàn 10g; ngày uống 3 viên với nước sôi để nguội.

6 món ăn thuốc có ngó sen

1. Nước ép ngó sen hòa mật: ngó sen tươi 100g, nước mía 50ml. Ngó sen ép lấy nước, hòa với nước mía, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng khi bị cảm cúm, trúng nóng, trúng nắng hoặc khô hanh gây kích ứng, vật vã, sốt, khát nước.

2. Nước ép ngó sen gừng tươi (Khương ngẫu ẩm): ngó sen tươi 30 - 50g, gừng tươi 5 - 8g, ép vắt lấy nước trộn đều, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng cho người nôn thổ dai dẳng, khát nước.

3. Nước ép ngó sen sinh địa củ cải: ngó sen 30g, sinh địa 30g, củ cải 30g. Cả 3 thứ xay, ép, lọc lấy nước. Mỗi lần 1 chén (khoảng 100ml), uống với mật ong hoặc nước đường nóng. Dùng tốt cho người tiểu dắt, buốt.

4. Ngó sen hầm đậu xanh: ngó sen cả đọt 50 - 100g, đậu xanh xay 50 - 100g. Ngó sen rửa sạch, cắt đoạn, cho cùng đậu xanh vào xoong nước, nấu chín ăn. Tác dụng thanh nhiệt tiêu viêm, tốt cho người đau mắt đỏ (viêm kết mạc).

5. Ngó sen hầm: ngó sen 150 - 200g hầm nhừ ăn. Tác dụng bổ ngũ tạng, thực nhiệt hạ tiêu, tốt cho người bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc).

6. Ngó sen hầm đại  táo: ngó sen 150g, đại táo 250g. Ngó sen rửa sạch, cắt đoạn, đại táo thái thành 2 - 4 lát. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu nhừ, gạn lấy nước uống. Dùng tốt cho người bị ban xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng do giảm tiểu cầu, ngoài ra còn có tác dụng khai vị trợ tiêu hóa.

TS. Nguyễn Đức Quang

NGuồn: suckhoedoisong.vn​